Thầy thuốc ưu tú, BS Lê Thị Phương: “Chớ coi thường bệnh huyết áp cao”

 Tăng huyết áp là bệnh phổ biến thường gặp ở những người trung tuổi trở lên. Theo thống kê của Hội tim mạch học Việt Nam, năm 2016 có khoảng 48% dân số Việt Nam từ 25 tuổi trở lên bị tăng huyết áp. Trung bình cứ 10 người thì có 4 người bị tăng huyết áp. Trên thế giới hàng năm có khoảng trên 7 triệu người tử vong do tăng huyết áp.

Trao đổi với Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ Lê Thị Phương về bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp nếu không được điều trị kịp thời, điều trị dứt điểm và đúng phương pháp có thể dẫn tới những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Tăng huyết áp có thể gây ra tổn hại nghiêm trọng đến tim, não, mắt, thận, mạch máu… Tình trạng diễn xảy ra thường xuyên sẽ tăng nguy cơ bệnh tim mạch, suy tim và đột quỵ.

Trước những băn khoăn, lo lắng của nhiều bệnh nhân bị cao huyết áp hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thầy thuốc ưu tú, BSCKII Lê Thị Phương về chủ đề này.

Kính chào bác sĩ! Xin bác sĩ cho biết thế nào là tăng huyết áp và nguyên nhân gây ra bệnh?

BSCII Lê Thị Phương:

  • Người có huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu (còn gọi là huyết áp tối đa) nhỏ hơn 120 mmHg. Huyết áp tâm trương (còn gọi là huyết áp tối thiểu) nhỏ hơn 80 mmHg.
  • Người bị tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg. Huyết áp tâm trương trên 90 mmHg.

Muốn xác định được tăng huyết áp phải đo huyết áp nhiều lần ở những thời điểm khác nhau.

Nguyên nhân của tăng huyết áp do các yếu tố: Tuổi tác, béo phì, thừa cân, rối loạn chuyển hóa, sử dụng nhiều chất kích thích (thuốc lá, rượu bia), do chế độ sinh hoạt thiếu khoa học, lười vận động, căng thẳng, do một số bệnh lý liên quan đến tim mạch, thận, đái tháo đường…

Tuy nhiên có khoảng 90% các trường hợp không rõ nguyên nhân. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm và gây khó khăn trong điều trị.

Xin bác sĩ cho biết những biểu hiện và các các giai đoạn phát triển của bệnh tăng huyết áp?

BSCKII Lê Thị Phương:

Người bệnh có một số biểu hiện điển hình sau đây: choáng váng, nhức đầu; mất ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt; khó thở, đau tức ngực, hồi hộp; đỏ mặt, buồn nôn. Tuy nhiên, đa số người bệnh không có triệu chứng gì và phần lớn thậm chí còn không biết mình bị bệnh. Các triệu chứng kể trên thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng. Vì vậy người bệnh nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời.

Các giai đoạn của tăng huyết áp bao gồm:

  • Giai đoạn I: Tăng huyết áp thật sự nhưng không có tổn thương thực thể các cơ quan.
  • Giai đoạn II: Có ít nhất một trong các biến đổi các cơ quan sau: Dày thất trái, hẹp lan tỏa hay từng vùng các động mạch võng mạc, thận, có hình ảnh mãng vữa xơ động mạch trên…
  • Giai đoạn III: Có dấu hiệu chức năng và thực thể do tổn thương các cơ quan đích như:
    • Tim: Suy tim trái, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.
    • Não: Tai biến mạch não thoáng qua, xuất huyết não, tiểu não hoặc thân não. Bệnh não tăng huyết áp.
    • Đáy mắt: Xuất huyết võng mạc xuất tiết có hay không có phù gai thị (giai đoạn III và IV) các dấu hiệu này là đặc biệt của giai đoạn ác tính (giai đoạn tiến triển nhanh).

Bệnh huyết áp cao phát triển qua nhiều giai đoạn

 

Bệnh tăng huyết áp có thể để lại những biến chứng nguy hiểm gì thưa bác sĩ?

BSCKII Lê Thị Phương:

Tôi luôn nói với bệnh nhân là chớ được coi thường bệnh tăng huyết áp.Tăng huyết áp nếu không điều trị dứt điểm có thể để lại nhiều biến chứng đến các cơ quan đích như:

  • Tim mạch: xơ vữa động mạch, hẹp mạch vành, nhồi máu cơ tim, suy tim.
  • Não: tai biến mạch máu não, xuất huyết não, nhũn não, thiếu máu não…
  • Thận: gây suy thận, làm hẹp động mạch thận.
  • Mắt: xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giác làm giảm thị lực, mù lòa.
  • Mạch ngoại vi: làm động mạch chủ phình to, có thể bóc tách và vỡ thành động mạch chủ dẫn đến tử vong.

Tăng huyết áp nếu như không được điều trị đúng cách và đầy đủ thì sẽ dẫn đến rất nhiều những biến chứng nặng nề, hay thậm chí là có thể gây tử vong, hoặc để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, hạn chế sức lao động của người bệnh..

Vậy điều trị tăng huyết áp như thế nào cho hiệu quả thưa bác sĩ?

BSCKII Lê Thị Phương:

Đối với bệnh tăng huyết áp hiện nay, có hai vấn đề rất quan trọng mà hầu như trong quá trình điều trị rất nhiều bác sĩ không để ý đến hoặc chưa giải quyết được đó chính là rối loạn chuyển hóa và cơ chế đông máu trong cơ thể của người bệnh. Đi vào giải quyết được 2 nhóm vấn đề chính này cũng chính là chìa khóa giải quyết được bệnh tăng huyết áp một cách triệt để và hiệu quả nhất.

Chúng ta cần biết rằng bản chất của bệnh tăng huyết áp cũng như việc điều trị là cần giải quyết được tận gốc bệnh (những triệu chứng chỉ là “dấu hiệu” của bệnh phát ra bên ngoài) kết hợp với việc giải quyết những bệnh có liên quan (bởi đa phần những người bị tăng huyết áp thường đồng thời bị những bệnh khác: tim mạch, thận, thiếu máu não… Vì vậy, bên cạnh việc chủ trị tăng huyết áp thì việc quan trọng không kém là phải giải quyết hiệu quả những bệnh này. Chỉ khi giải quyết đồng thời những vấn đề này thì khi đó, quá trình điều trị mới có hiệu quả tối ưu nhất.

Bên cạnh đó người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ sinh hoạt khoa học, hợp lý cũng có hiệu quả rất lớn trong điều trị tăng huyết áp.

Người bệnh cao huyết áp nên có chế độ sinh hoạt khoa học và hợp lý

 

Xin bác sĩ cho bệnh nhân một số lời khuyên để phòng và điều trị tăng huyết áp một cách tốt nhất?

BSCKII Lê Thị Phương:

Người bệnh cũng nên biết rằng để phòng và điều trị tăng huyết áp cũng phụ thuộc rất nhiều vào bản thân người bệnh, vì thế cần áp dụng chế độ sinh hoạt một cách khoa học và hợp lý để mang lại kết quả tốt nhất. Các bạn có thể tham khảo một số hướng dẫn sau:

  • Không hút thuốc lá.
  • Hạn chế đồ uống có cồn, nhất là đối với phụ nữ.
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress.
  • Chế độ ăn nhiều rau quả tươi, ít chất béo và cholesterol.
  • Ăn ít muối sẽ giúp ngăn ngừa huyết áp tăng cao.
  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn và thường xuyên từ 30 – 60 phút/ngày sẽ giúp giảm huyết áp và ngăn ngừa mắc bệnh tăng huyết áp.
  • Duy trì mức cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì. Những người thừa cân có nguy cơ cao bị tăng huyết áp.
  • Kiểm tra nguồn nước dung xem có chứa nhiều natri không, vì hàm lượng natri cao làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp.
  • Lối sống lành mạnh giúp ngăn ngừa và giảm đáng kể việc phải dùng thuốc điều trị bệnh.

Vâng xin cảm ơn bác sĩ!

Theo dõi tác giả
Array